Càng nghiện smartphone, bạn càng dễ mắc tật khúc xạ
Các thiết bị điện tử trong cuộc sống hiện đại như máy vi tính, máy tính bảng, hay đặc biệt là điện thoại di động smartphone đang khiến nhiều trẻ nhỏ mắc các bệnh lý về tật khúc xạ. Trẻ bị tật khúc xạ trong tuổi đi học gặp phải không ít phiền toái trong học tập và sinh hoạt.
Tật khúc xạ có phải do di truyền?
Hiện nay, tỷ lệ mắc tật khúc xạ ở Việt Nam đang chiếm khoảng từ 15%-40%, tương ứng khoảng từ 14-36 triệu người mắc. Trẻ em trong khoảng từ 6-15 tuổi có tỉ lệ mắc tật khúc xạ từ 20%-40% ở khu vực thành thị và từ 10%-15% tại khu vực nông thôn.
Theo các chuyên gia nhãn khoa tại các bệnh viện mắt hàng đầu Việt Nam, cận thị là tật khúc xạ của mắt khiến cho mắt không nhìn xa được, do lực khúc xạ quá lớn hoặc trục nhãn cầu quá dài nên ảnh của vật nằm ở trước võng mạc. Chính vì thế, để nhìn rõ vật, người mắc bệnh cận thị phải đeo kính phân kỳ hoặc để vật lên gần mắt hơn.
Đặc biệt, bên cạnh yếu tố di truyền, cận thị cũng bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khách quan từ môi trường bên ngoài. Chẳng hạn như, một môi trường sống chật hẹp, thiếu ánh sáng sẽ dễ khiến cho tầm nhìn của trẻ bị giới hạn. Thiếu không gian cho trẻ em vui chơi, vận động ngoài trời cũng là yếu tố làm tăng nguy cơ mắc tật khúc xạ.
Mắc tật khúc xạ có thể dẫn tới mù lòa
Người mắc tật khúc xạ có thể thuộc 3 nhóm: cận thị, viễn thị, loạn thị. Cận thị là trường hợp nhìn xa mờ, nhìn gần rõ, thường gặp ở tuổi học đường. Viễn thị có 2 dạng: viễn thị nhẹ thì nhìn xa rõ, nhìn gần mờ; viễn thị nặng thì nhìn cả xa lẫn gần đều mờ. Loạn thị là trường hợp ta luôn nhìn mờ cả xa lẫn gần kèm theo nhìn hình ảnh biến dạng. Loạn thị thường đi kèm với cận thị hoặc viễn thị.
Người mắc tật khúc xạ thường có một số biểu hiện sau: xem tivi hay cái gì phải lại gần mới thấy; nhìn xa hay gần không rõ; hình ảnh biến dạng; nheo mắt khi nhìn; hay dụi mắt khi nhìn; mỏi mắt, chóng mặt khi đọc sách hay học tập; lé mắt…
Đặc biệt, việc tiếp xúc quá nhiều với máy vi tính, điện thoại, tivi, máy tính bảng đang khiến ngày càng nhiều người, nhất là trẻ em mắc các tật về khúc xạ.
Cận thị mức độ nhẹ là dưới 3 diop, trung bình từ 3-6 diop, từ 6 diop trở lên là cận thị nặng. Khi bị cận thị nếu không có liệu pháp đề phòng và đeo kính đúng số thì bệnh sẽ ngày càng nặng thêm. Ở những người bị cận thị nặng đeo kính từ 6 diop trở lên rất có thể bị bong võng mạc dẫn đến mù lòa.
Nếu bạn nghi ngờ mình mắc tật khúc xạ, hãy đến những cơ sở chuyên khoa để được phát hiện và đo chỉnh kính. Nếu bị tật khúc xạ nên đeo kính đúng độ, tái khám sau 6 tháng.
Ngoài ra, bạn cần lưu ý cách chăm sóc mắt giữ gìn đôi mắt tốt nhất. Chẳng hạn như bảo đảm nơi học tập và làm việc đầy đủ ánh sáng; giảm mọi căng thẳng của mắt, không sử dụng mắt quá lâu, hạn chế thời gian xem tivi, chơi trò chơi điện tử, vi tính, smartphone, máy tính bảng… Với những trường hợp bị tật khúc xạ cần được điều trị sớm để tránh những biến chứng nhược thị, lác, thậm chí giảm thị lực vĩnh viễn.